KINH QUÁN NIỆM HƠI THỞ (KINH NHẬP TỨC XUẤT TỨC NIỆM)
Quán niệm ở đây nên
được hiểu là: Quan sát, theo dõi, để ý, trú tâm.
Kinh Quán niệm hơi thở
là bài Kinh Phật hướng dẫn tiến trình các bước tu tập cho hành giả. Hành giả
cần tu tập thuần thục từng tiến trình trước cho thuần thục rồi mới tiếp tục
tu tập tới tiến trình ngay sau.
Phật cũng có dạy, tiến
trình này khi được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ giúp đạt được quả lớn giúp
cho tu tập Tứ Niệm Xứ, Bảy Giác Chi, được viên mãn, giúp thấy được ánh sáng của
sự giải thoát chân chính, như trong Kinh đã nêu:
“…Nhập
tức xuất tức niệm, này các Tỳ Kheo,
được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, công đức lớn. Nhập
tức xuất tức niệm, được tu tập, làm
cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên
mãn. Bốn niệm xứ được tu tập, làm cho sung mãn,
khiến cho bảy giác chi được viên mãn. Bảy giác chi được tu tập, làm cho sung mãn,
khiến cho minh giải thoát (Vijjàvimutti) được viên mãn…”
Hành giả khi bắt đầu
tu tập, thiết nghĩ, trước tiên cần tập thuần thục chú tâm vào hơi thở, không bị
xao nhãng phóng dật khỏi hơi thở. Từ đó sẽ nhận thấy hơi thở vào, hơi thở ra
ngày càng rõ ràng và dễ dàng hơn. Tiếp đó, nhờ tâm được trú vào hơi thở, hành
giả cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc nhận biết rõ ràng về hơi thở dài hay ngắn
của hơi thở vào, hơi thở ra.
Khi đã thuần thục tiến
trình trú tâm vào hơi thở để nhận biết rõ về hơi thở vào, ra, ngắn dài,
Do vậy, trước tiên
hành giả cần phải nương vào hơi thở, cột tâm vào hơi thở để tâm được an tịnh.
Theo đúng tiến trình mà phật dạy trong Kinh Quán niệm hơi thở ( Hay còn gọi là
Kinh Nhập tức xuất tức niệm, hay An Ban Thủ ý).
Những bước đầu, hành
giả nên tu tập từng bước theo tiến trình Phật dạy trong kinh. Ví dụ: Sau khi tu
tập thuần thục với hơi thở để “…an tịnh thân hành…”, rồi tới “…an tịnh tâm
hành…” và cứ thế.
Ngoài ra, những phép
tu tập mà Phật dạy sẽ được tu tập hiệu quả nhất khi hành giả ngồi thiền. Tuy
nhiên, hành giả vẫn có thể tu tập trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Trong
mọi hoạt động sinh hoạt thường ngày, hành giả nên luôn tác ý chánh niệm để quán
sát và thấy rõ thực tại về sự sinh diệt, tính vô thường của hơi thở nơi thân,
của những cử động nơi thân, của những cảm thọ, tâm, pháp.
Và này các Tỳ Kheo, như thế nào là tu
tập nhập tức xuất tức niệm?
Như thế nào làm cho
sung mãn?
Như thế nào là quả
lớn, công đức lớn?
Ở đây, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo đi
đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và trú niệm trước mặt.
Hành trì 16 tiến trình Quán niệm hơi thở:
1. Chánh niệm, vị
ấy theo dõi hơi thở vô; Chánh niệm, vị ấy theo dõi hơi thở ra.
(Trong lúc hít vào thở
ra, hành giả luôn trú tâm tại nơi hơi thở. Theo dõi hơi thở như một người đang
theo dõi bộ phim hay, hay như người đang tập trung cao độ để tháo gỡ quả bom.
Hành giả tập thành tựu tiến trình này (trú tâm được lâu dài tại hơi thở) thì
mới nên tập tiếp tiến trình sau).
2. Thở vô dài, vị ấy
biết: “thở vô dài”; Thở ra dài, vị ấy biết: “thở ra dài”.
Thở
vô ngắn, vị ấy biết: “thở vô ngán” Thở ra ngắn, vị ấy biết: “thở
ra ngắn”.
(Tập trong khi trú tâm
nơi hơi thở, luôn nhận biết rõ được hơi thở vào hay ra, dài hay ngắn. Lúc đó là
thành tựu tiến trình này, rồi tập tiến trình tiếp sau).
3. Vị ấy thở vô, và
cảm giác toàn thân, vị ấy tập như vậy.
Vị
ấy thở ra, và cảm giác toàn thân, vị ấy tập như vậy.
(Tập trong khi trú
tâm nơi hơi thở, luôn nhận biết các cảm giác nơi toàn thân. Như ngứa; ngồi
nghiêng; đau; cử động; tim đập; mạch đập; hơi thở lúc mạnh, lúc nhẹ; hơi thở
nóng, lạnh; bị tê, mỏi, …)
4. Vị ấy thở vô và an
tịnh thân hành, vị ấy tập như vậy.
Vị
ấy thở ra và an tịnh thân hành, vị ấy tập như vậy.
(Tập trong khi trú
tâm nơi hơi thở, an tịnh thân hành, làm cho thân an tịnh, không động đậy, hơi
thở nhẹ nhàng, đều đặn. Việc này giúp hỗ trợ dần dần tiến tới cận định, giúp
tiến trình nhận biết và an tịnh được các tâm hành, cũng như các tiến trình sau
đó, giúp tiến trình quán chiếu được rõ ràng, sung mãn, sâu sắc, thành tựu, dẫn
đến tuệ sinh, minh giải thoát, niết bàn).
(Cùng với việc trú tâm
nơi hơi thở, nhận biết rõ sự vào, ra, dài, ngắn, vị ấy an tịnh thân hành là an
tịnh các cử động của thân. Hơi thở cũng dần dần sẽ được đều và rất nhẹ
cùng với thân thể được an tịnh. Mục đích là toàn thân từ hơi thở đến mọi cử
động nơi thân đều cần được an tịnh, mục đích của tiến trình này là để giúp các
tiến trình sau được thành tựu, để đạt đến mục đich cuối cùng là tuệ quán ở các
tiến trình cuối được sung mãn, thấy rõ thực tướng của vạn pháp (vô thường, vô
ngã,, duyên khởi), để từ đó sinh tâm ly tham, đoạn trừ, xả ly những tham đắm,
vướng mắc trong đời, dẫn đến giâir thoát mọi khổ đau. Sau 4 tiến trình này,
thân được an tịnh, tâm được trú nơi hơi thở, nên sau đó sẽ xuất hiện các cảm
giác hỷ lạc. Đạt được như vậy, các tiến trình sau sẽ giúp nhận biết về tâm thọ
dễ dàng và rõ ràng hơn).
5. Vị ấy thở vô và
nhận biết cảm giác hỷ thọ, vị ấy tập nhận biết như vậy.
Vị
ấy thở ra và cảm nhận cảm giác hỷ thọ, vị ấy tập nhận biết như vậy.
(Sau 4 tiến trình trên
(sau khi an trú được tâm nơi hơi thở và an tịnh được thân), lúc đó sẽ xuất hiện
cảm giác hỷ, vui mừng. Tập nhận biết cảm giác hỷ thọ ở tiến trình này, trong
lúc hít vào thở ra).
6. Vị ấy thở vô và
nhận biết cảm giác lạc thọ, vị ấy tập nhận biết như vậy.
Vị
ấy thở ra và nhận biết cảm giác lạc thọ, vị ấy tập nhận biết như vậy.
(Sau khi xuất hiện cảm
giác hỷ thọ, sẽ xuất hiện cảm giác lạc thọ. Tập nhận biết cảm giác lạc thọ ở
tiến trình này, trong lúc hít vào thở ra).
7. Vị ấy thở vô và
nhận biết các tâm hành đang xuất hiện, vị ấy tập nhận biết như vậy.
Vị
ấy thở ra và nhận biết các tâm hành đang xuất hiện, vị ấy tập nhận
biết như vậy.
(Tập nhận biết các tâm
hành đang xuất hiện, trong khi theo dõi hơi thở. Các tâm hành là những suy
nghĩ, suy tưởng, vọng tưởng, tưởng tượng, nhớ lại, suy diễn, rồi dẫn đến sân
hận, vui, buồn, lo lắng, nghi ngờ, ...).
8. Vị ấy thở vô và
an tịnh các tâm hành, vị ấy tập như vậy.
Vị
ấy thở ra và an tịnh các tâm hành, vị ấy tập như vậy.
(Tập an tịnh các tâm
hành đã nhận biết, trong khi theo dõi hơi thở. Trú tâm mạnh mẽ vào nơi hơi thở
để tránh bị khởi lên các tâm hành).
9. Vị ấy thở vô và
nhận biết cảm giác của tâm, vị ấy tập như vậy.
Vị
ấy thở ra và nhận biết cảm giác của tâm, vị ấy tập như.
(Tập nhận biết cảm
giác của tâm, trong khi theo dõi hơi thở)
10. Vị ấy thở vô và
làm cho cảm giác của tâm là đang hân hoan, vị ấy tập như vậy.
Vị
ấy thở ra và làm cho cảm giác của tâm là đang hân hoan, vị ấy tập như vậy.
(Tập cảm nhận được tâm
đang hân hoan, trong khi theo dõi hơi thở. Sau khi đã an tịnh được tâm hành, sẽ
sinh khởi cảm giác hân hoan của tâm)
11. Vị ấy thở vô và
làm cho tâm được định tĩnh, vị ấy tập như vậy.
Vị
ấy thở ra và làm cho tâm được định tĩnh, vị ấy tập như vậy.
(Tập làm cho tâm có
trạng thái định tĩnh, trong khi theo dõi hơi thở. Tiếp tục trú tâm mạnh mẽ nơi
hơi thở để tâm hân hoan không tiếp tục khởi lên, làm cho tâm định tĩnh)
12. Vị ấy thở vô và để
cho tâm được giải thoát, vị ấy tập như vậy.
Vị
ấy thở ra và để cho tâm được giải thoát, vị ấy tập như vậy.
(Sau khi định tĩnh
được tâm, tập cảm nhận rằng tâm đã được giải thoát, trong khi theo dõi hơi thở)
13. Vị ấy thở vô và
quán về vô thường, vị ấy tập như vậy.
Vị
ấy thở ra và quán về vô thường, vị ấy tập như vậy.
(Tập quán chiếu về
tính vô thường của vạn pháp, trong khi theo dõi hơi thở)
14. Vị ấy thở vô và
quán ly tham, vị ấy tập như vậy.
Vị
ấy thở ra và quán ly tham, vị ấy tập như vậy.
(Tập quán chiếu về
tính rời bỏ, không bị vướng mắc vào tham cầu, trong khi theo dõi hơi thở)
15. Vị ấy thở vô và
quán đoạn diệt, vị ấy tập như vậy.
Vị
ấy thở ra và quán đoạn diệt, vị ấy tập như vậy.
(Tập quán chiếu về
đoạn diệt mọi tham đắm vướng mắc ở đời, trong khi theo dõi hơi thở)
16. Vị ấy thở vô và
quán xả ly, vị ấy tập như vậy.
Vị
ấy thở ra và quán xả ly, vị ấy tập như vậy.
(Tập quán chiếu về
việc đã xả ly, đã buông bỏ, không còn phải thực hiện việc rời bỏ hay đoạn diệt
mọi tham đắm vướng mắc ở đời nữa (vì mọi tham đắm, vướng mắc đã chấm dứt, không
còn gây ra khổ đau nữa), trong khi theo dõi hơi thở)
Nhập tức xuất tức
niệm, này các Tỳ Kheo, tu tập như vậy, làm cho sung
mãn như vậy, được quả lớn, được công đức lớn.
(Các
tiến trình trên được tu tập đúng như vậy, theo từng tiến trình, kiên trì, đều
đặn, liên tục, việc tu tập hành trì này luôn được tăng tiến sẽ được thành quả
lớn, công đức lớn).
KHIẾN BỐN NIỆM XỨ ĐƯỢC VIÊN MÃN
================
Này các Tỳ Kheo, và như thế nào là nhập tức xuất tức niệm được tu tập?
Như thế nào, làm
cho sung mãn, khiến bốn niệm xứ được viên mãn?
Khi nào, này các Tỳ-kheo,
Tỳ-kheo thở vô dài, vị ấy biết: “Tôi thở vô dài”. Hay khi thở ra dài, vị ấy
biết “Tôi thở ra dài”. Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở vô ngắn”. Hay khi
thở ra ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở ra ngắn”. “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở
vô”, vị ấy tập. “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh
thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy
tập. Trong khi tùy quán thân trên thân, này các Tỳ-kheo, vị Tỳ-kheo trú, nhiệt
tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỳ-kheo, đối với
các thân, Ta nói đây là một, tức là thở vô thở ra. Do vậy, này các Tỳ-kheo,
trong khi tùy quán thân nơi thân, vị Tỳ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh
niệm để chế ngự tham ưu ở đời.
---------------
(Trong 4 tiến trình quán niệm hơi thở đầu tiên (1,2,3,4), (đây
là các tiến trình quán thân nơi thân trong Tứ Niệm Xứ), hành giả cần trú tâm,
nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự các tham ưu ở đời).
---------------
Khi nào, này các Tỳ-kheo, vị Tỳ-kheo nghĩ: “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Trong khi tùy quán thọ trên các thọ, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỳ-kheo, đối với các cảm thọ, Ta nói đây là một, tức là thở vô thở ra. Do vậy này các Tỳ-kheo, trong khi tùy quán thọ nơi các cảm thọ, Tỳ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.
---------------
(Trong 4 tiến trình quán niệm hơi thở tiếp theo (5,6,7,8),
(đây là các tiến trình quán thọ nơi các cảm thọ trong Tứ Niệm Xứ) hành giả cần
trú tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự các tham ưu ở đời).
---------------
Khi nào, này các Tỳ-kheo,
Tỳ-kheo nghĩ: “Cảm giác tâm, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm, tôi sẽ
thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tu tập. “Với tâm
hân hoan, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm Thiền định, tôi sẽ thở vô”, vị ấy
tập. “Với tâm Thiền định, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi
sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Trong
khi tùy quán tâm trên tâm, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác,
chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỳ-kheo, sự tu tập nhập tức xuất tức
niệm không thể đến với kẻ thất niệm, không có tỉnh giác. Do vậy, này các Tỳ-kheo,
trong khi tùy quán tâm nơi tâm, Tỳ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm
để chế ngự tham ưu ở đời.
---------------
(Trong 4 tiến trình quán niệm hơi thở tiếp theo (9,10,11,12),
(đây là các tiến trình quán tâm nơi tâm trong Tứ Niệm Xứ) hành giả cần trú tâm,
nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự các tham ưu ở đời).
---------------
Khi nào này các Tỳ-kheo,
Tỳ-kheo nghĩ: “Quán vô thường, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán vô thường, tôi
sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán ly tham…. quán đoạn diệt… quán từ bỏ, tôi sẽ thở
vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Trong khi tùy quán trên
các pháp, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo an trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để
chế ngự tham ưu ở đời. Vị ấy, do đoạn trừ tham ưu, sau khi thấy với trí tuệ,
khéo nhìn (sự vật) với niệm xả ly. Do vậy, này các Tỳ-kheo, trong khi tùy quán
pháp nơi các pháp, Tỳ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự
tham ưu ở đời.
---------------
(Trong 4 tiến trình quán niệm hơi thở cuối (13,14,15,16), (đây
là các tiến trình quán pháp nơi các pháp
trong Tứ Niệm Xứ) hành giả cần trú tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế
ngự các tham ưu xuất hiện lúc đó).
---------------
Nhập tức xuất tức
niệm, này các Tỳ-kheo, được tu tập như vậy được làm cho sung mãn như vậy, khiến
cho Bốn Niệm Xứ được viên mãn.
KHIẾN BẢY GIÁC CHI ĐƯỢC VIÊN MÃN
==============
Và bốn niệm xứ, này các
Tỳ-kheo, tu tập như thế nào?
Làm cho sung mãn như
thế nào, khiến cho bảy giác chi được viên mãn?
Niệm Giác Chi:
Này các Tỳ-kheo, trong
khi tùy quán thân trên thân, Tỳ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để
chế ngự tham ưu ở đời, trong khi ấy, niệm không hôn mê của vị ấy được an trú.
Trong khi niệm không hôn mê của vi ấy cũng được an trú, này các Tỳ-kheo, trong
khi ấy niệm giác chi được bắt đầu khởi lên với Tỳ-kheo, trong khi ấy, Tỳ-kheo
tu tập niệm giác chi. Trong khi ấy niệm giác chi được Tỳ-kheo tu tập đi đến
viên mãn.
Trạch Pháp Giác Chi:
Vị ấy an trú với chánh
niệm như vậy, suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ. Này các Tỳ-kheo,
trong khi trú với chánh niệm như vậy, Tỳ-kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm
sát pháp ấy, trong khi ấy trạch pháp giác chi được bắt đầu khởi lên, với Tỳ-kheo.
Trong khi ấy, Tỳ-kheo tu tập trạch pháp giác chi. Trong khi ấy trạch pháp giác
chi được Tỳ-kheo tu tập đi đến viên mãn.
Tinh Tấn Giác Chi:
Trong khi Tỳ-kheo với
trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, sự tinh tấn không thụ động bắt đầu
khởi lên với vị Tỳ-kheo. Này các Tỳ-kheo, trong khi Tỳ-kheo với trí tuệ suy tư,
tư duy, thẩm sát pháp ấy, trong khi ấy sự tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi
lên với Tỳ-kheo ấy. Trong khi ấy tinh tấn giác chi được bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-kheo.
Trong khi ấy Tỳ-kheo tu tập tinh tấn giác chi. Trong khi ấy, tinh tấn giác chi
được Tỳ-kheo tu tập đi đến viên mãn.
Hỷ Giác Chi:
Hỷ không liên hệ đến
vật chất được khởi lên nơi vị ấy tinh tấn, tinh cần. Này các Tỳ-kheo, trong khi
hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên nơi Tỳ-kheo tinh tấn, tinh cần, trong
khi ấy hỷ giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-kheo. Trong khi ấy hỷ giác chi được
vị Tỳ-kheo tu tập. Trong khi ấy hỷ giác chi được Tỳ-kheo tu tập đi đến viên
mãn.
Khinh An Giác Chi:
Thân của vị ấy được
tâm hoan hỷ trở thành khinh an, tâm cũng được khinh an. Này các Tỳ-kheo, trong
khi Tỳ-kheo với ý hoan hỷ được thân khinh an, được tâm cũng khinh an, trong khi
ấy, khinh an giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-kheo. Trong khi ấy, khinh an giác
chi được Tỳ-kheo tu tập. Trong khi ấy, khinh an giác chi được Tỳ-kheo làm cho
đi đến sung mãn.
Định Giác Chi:
Một vị có thân khinh
an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh. Này các Tỳ-kheo, trong khi Tỳ-kheo có
thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh, trong khi ấy định giác chi bắt
đầu khởi lên nơi Tỳ-kheo. Trong khi ấy định giác chi được Tỳ-kheo tu tập. Trong
khi ấy định giác chi được Tỳ-kheo làm cho đi đến sung mãn.
Xả Giác Chi:
Vị ấy với tâm định
tĩnh như vậy, khéo nhìn (sự vật) với ý niệm xả ly. Này các Tỳ-kheo, trong khi Tỳ-kheo
với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn (sự vật) với ý niệm xả ly, trong khi ấy xả
giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-kheo. Trong khi ấy xả giác chi được Tỳ-kheo tu
tập. Trong khi ấy xả giác chi được Tỳ-kheo làm cho đến sung mãn.
Này các Tỳ-kheo, trong
khi quán thọ trên các cảm thọ…
Này các Tỳ-kheo, trong
khi quán tâm trên tâm…
Này các Tỳ-kheo, trong
khi quán pháp trên các pháp, Tỳ-kheo an trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm
với mục đích điều phục tham ưu ở đời, trong khi ấy niệm của vị ấy được an trú,
không có hôn mê.
Này các Tỳ-kheo, trong
khi niệm của Tỳ-kheo được an trú, không có hôn mê, niệm giác chi trong khi ấy
được bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-kheo.
Niệm giác chi trong
khi ấy được Tỳ-kheo tu tập.
Niệm giác chi trong
khi ấy, được Tỳ-kheo làm cho đi đến sung mãn.
Vị ấy an trú với chánh
niệm như vậy, suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ.
Này các Tỳ-kheo, trong
khi an trú với chánh niệm như vậy, vị ấy suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với
trí tuệ. Trạch pháp giác chi trong khi ấy được bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-kheo.
Trạch pháp giác chi
trong khi ấy được Tỳ-kheo tu tập.
Trạch pháp giác chi trong khi ấy đi đến sung mãn, tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên nơi vị ấy.
Này các Tỳ-kheo, trong
khi Tỳ-kheo suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ, và tinh tấn không thụ
động bắt đầu khởi lên nơi vị ấy, tinh tấn giác chi trong khi ấy bắt đầu khởi
lên nơi vị Tỳ-kheo.
Tinh tấn giác chi được
Tỳ-kheo tu tập.
Tinh tấn giác chi được
Tỳ-kheo làm cho đi đến sung mãn.
Đối với vị ấy tinh cần
tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên. Này các Tỳ-kheo, trong khi Tỳ-kheo
tinh cần tinh tấn và hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên, hỷ giác chi trong
khi ấy bắt đầu được khởi lên nơi Tỳ-kheo.
Hỷ giác chi trong khi
ấy được Tỳ-kheo tu tập.
Hỷ giác chi trong khi
ấy được Tỳ-kheo làm cho đi đến sung mãn.
Thân của vị ấy được
tâm hoan hỷ trở thành khinh an, tâm cũng được khinh an.
Này các Tỳ-kheo, trong
khi Tỳ-kheo với ý hoan hỷ được thân khinh an, được tâm cũng khinh an, trong khi
ấy khinh an giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-kheo.
Trong khi ấy khinh an
giác chi được Tỳ-kheo tu tập.
Trong khi ấy khinh an
giác chi được Tỳ-kheo làm cho đi đến sung mãn.
Một vị có tâm khinh
an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh.
Này các Tỳ-kheo, trong
khi vị ấy có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh, trong khi ấy định
giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-kheo.
Trong khi ấy định giác
chi được Tỳ-kheo tu tập.
Trong khi ấy định giác
chi được Tỳ-kheo làm cho đi đến sung mãn.
Vị ấy với tâm định
tĩnh như vậy khéo nhìn (sự vật) với ý niệm xả ly.
Này các Tỳ-kheo, trong
khi Tỳ-kheo với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn (sự vật) với ý niệm xả ly,
trong khi ấy xả giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-kheo.
Trong khi ấy xả giác
chi được Tỳ-kheo tu tập.
Trong khi ấy xả giác
chi được Tỳ-kheo làm cho đi đến sung mãn.
Này các Tỳ-kheo, bốn
niệm xứ được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy khiến cho bảy giác
chi được sung mãn.
KHIẾN CHO MINH GIẢI THOÁT ĐƯỢC VIÊN MÃN:
============
Và này các Tỳ-kheo, Bảy
giác chi tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho minh giải
thoát được viên mãn?
Ở đây, này các Tỳ-kheo,
- Tỳ-kheo tu tập niệm
giác chi, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến diệt, hướng đến
xả ly;
- Tu tập trạch pháp
giác chi…
- Tu tập tinh tấn giác
chi…
- Tu tập hỷ giác chi…
- Tu tập khinh an giác
chi…
- Tu tập định giác
chi…
- Tu tập xả giác chi,
liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến diệt, hướng đến xả ly.
Này các Tỳ-kheo, bảy
giác chi được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho minh
giải thoát được viên mãn.
Thế Tôn thuyết giảng
như vậy. Các Tỳ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
- HẾT -
Nhận xét
Đăng nhận xét